Xây dựng tiêu chuẩn cho việc phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái
Cục Bảo vệ thực vật đang xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn cơ sở cho việc phun thuốc bảo vệ thực vật bằng bằng thiết bị bay không người lái (Drone/UAV).
Theo ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), việc ứng dụng thiết bị bay không người lái đang được xem là giải pháp hỗ trợ nông dân trên toàn cầu giải quyết nhiều vấn đề trong nông nghiệp; tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm tác động tiêu cực từ canh tác nông nghiệp tới sức khỏe và môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Các ứng dụng của Drone có thể kể đến như lập bản đồ, kiểm tra và theo dõi mùa vụ, phun thuốc bảo vệ thực vật, giám sát tưới tiêu và chăn thả gia súc.
"Tiêu chuẩn cơ sở được ban hành sẽ là cơ sở kỹ thuật để các đơn vị thực hiện xây dựng quy trình phòng trừ sinh vật gây hại bằng thiết bị Drone cho từng loại thuốc, cây trồng, sinh vật gây hại khác nhau. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn, vận hành Drone đảm bảo nguyên tắc 4 đúng, hiệu quả, an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật", ông Huỳnh Tấn Đạt cho hay.
Cũng theo ông Đạt, việc ứng dụng Drone để phun thuốc bảo vệ thực vật đang trở nên ngày càng phổ biến nhờ những ưu điểm nổi bật của công nghệ về hiệu quả, độ chính xác, khả năng tiết kiệm lao động, giảm lượng nước thuốc sử dụng, bảo vệ sức khỏe cho người dân...
Tuy nhiên hiện nay, nông dân Việt Nam đang ứng dụng tự phát thiết bị bay không người lái, chưa có quy định về loại thuốc nào dùng được cho drone, khu vực nào, cây trồng nào, loại sâu bệnh gì thì được ứng dụng bay phun thuốc. Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật sẽ kết hợp với các bên hoàn thiện tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm và các quy định có liên quan đến sử dụng UAV để phun thuốc bảo vệ thực vật.
Trong giai đoạn 2020 - 2022, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp cùng các tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm, các đơn vị cung cấp thiết bị bay của Việt Nam, công ty thành viên của Hiệp hội CropLife Việt Nam và một số công ty thuộc Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc Bảo vệ thực Việt Nam (VIPA)… tiến hành các mô hình thử nghiệm phun thuốc bằng Drone. Quá trình thử nghiệm đã lựa chọn 8 dạng thuốc bảo vệ thực vật (với 29 loại), tiến hành trên 7 nhóm cây trồng chính, phòng trừ 15 loại sinh vật gây hại tại nhiều địa bàn sản xuất nông nghiệp khác nhau trên cả nước. Đây là cơ sở quan trọng để Cục bảo vệ thực xây dựng dự thảo tiêu chuẩn cơ sở về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng Drone.
Ông YingNan Jlang, đại diện CropLife châu Á cho biết, việc ứng dụng Drone trong sản xuất nông nghiệp giúp giải quyết nhiều thách thức lớn mà ngành nông nghiệp tại châu Á đang phải đối mặt như: áp lực dịch hại tăng cao, chi phí sản xuất tăng, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, sức khỏe và sự an toàn của nông dân bị đe dọa, thiếu hụt và già hóa lao động nông nghiệp...
Bên cạnh đó, nếu so sánh với việc phun thuốc bảo vệ thực vật bằng tay thì ứng dụng Drone giúp giảm 70% lượng nước cần dùng, giảm 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng hiệu lực tương đương, thậm chí tốt hơn, tốc độ phun nhanh hơn 30 lần, giảm bớt áp lực thiếu nhân công...
Để ứng dụng thành công Drone trong sản xuất, ông YingNan Jlang khuyến cáo cần nâng cao nhận thức chung về lợi ích của Drone trong việc đảm bảo an toàn cho người dân, nâng cao năng suất và phát triển bền vững; tăng cường hợp tác đa ngành giữa Chính phủ và ngành công nghiệp; tích cực trao đổi thông tin, kiến thức và các phương thức ứng dụng tiên tiến để quản lý rủi ro...
Theo một số chuyên gia, trong tiêu chuẩn cơ sở, cần sử dụng câu chữ rõ ràng, mạch lạc, cụ thể theo từng vấn đề; sớm thống nhất quy định về diện tích ô khảo nghiệm, phương pháp điều tra lấy mẫu, liều lượng thuốc sử dụng, dung tích bình, sử dụng lượng nước phun, xử lý thuốc…Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thiết bị bay với các thông số kỹ thuật, cách thức vận hành khác nhau nên cần có đơn vị đánh giá, thẩm định, quản lý thiết bị bay. Việc quản lý, vận hành, chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước, pháp luật về vận hành Drone phải do tổ chức đảm nhiệm. Người vận hành thiết bị bay phải là người thuộc các tổ chức được cấp phép, được đào tạo bài bản và cấp chứng chỉ vận hành…
Liên hệ ngay để được tư vấn nhanh chóng về:
- Chỉ tiêu hiệu chuẩn, thử nghiệm.
- Các chương trình đào tạo.
- Tư vấn và báo giá thử nghiệm thành thạo.
- Dịch vụ Hỗ trợ kỹ thuật (Thiết kế phòng thử nghiệm vi sinh, thẩm định kho lạnh, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng,...).
Hãy cùng chúng tôi tạo nên sự khác biệt về chất lượng và uy tín cho sản phẩm của bạn.
TRUNG TÂM ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN SẮC KÝ (EDC-HCM)
- Địa chỉ: 54 Nguyễn Văn Kỉnh, P. Thạnh Mỹ Lợi, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
- Hotline: (028) 2232 4268
- Email: cskh@edchcm.com
Nguồn: Vietq.vn